7 năm, Công đoàn ngành in TPHCM đào tạo nghề cho 2.110 công nhân, có 1.578 công nhân được cấp chứng chỉ nghề và được nâng lương
“Chuyện học như con thuyền ngược nước. Hiểu vậy nên chúng tôi kiên trì. Hết năm này qua năm khác. Qua 7 năm, 2.110 công nhân (CN) ngành in tại TPHCM được đào tạo lại”. Ông Phạm Minh Kha, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) ngành in TPHCM, đã tâm sự như vậy về một hoạt động có dấu ấn sâu đậm nhất của CĐ ngành in TPHCM trong những năm qua.
Gian nan đã được đền bù
Theo các cán bộ CĐ ngành in TPHCM, cái khó của hoạt động CĐ là làm sao chọn lối đi riêng, hiệu quả đem lại phải là thực chất, gắn với thực tế của ngành. CĐ ngành quy tụ đông đảo đoàn viên – lao động, song mặt bằng tay nghề học vấn chưa đồng đều, chỉ có 3% CN có trình độ đại học, thợ giỏi, bậc nghề cao cũng hiếm. Ý tưởng được thực hiện bằng sự chủ động của CĐ ngành in TPHCM, đứng ra vận động mở các lớp nâng cao tay nghề cho CN kỹ thuật. Được sự hỗ trợ của Trường Công nhân chuyên ngành in của Công ty In Trần Phú, CĐ ngành mở các lớp đầu tiên vào năm 1996.
Theo thời gian, số CN theo học, số đơn vị gởi CN theo học cũng nhiều lên, ngành nghề cũng mở rộng (năm 2002 có đến 12 bộ môn kỹ thuật từ khâu chế bản, khâu in đến sau in, được trang bị cho CN). Trong số 2.110 CN được đào tạo 7 năm qua, có 1.578 CN được cấp giấy chứng nhận cấp bậc kỹ thuật và được doanh nghiệp (DN) nâng lương. Khó khăn hàng đầu trong khi mở lớp là trình độ học vấn của một số CN thấp nên hạn chế việc tiếp thu lý thuyết và kỹ thuật mới, bỏ học nửa chừng. Cũng có những DN không hưởng ứng chủ trương, cho CN đi học rất ít hoặc không gởi CN đi học. Năm 2002, có 5 DN không cho CN đi học là Xí nghiệp (XN) Cơ khí ngành In, Công ty In số 28, XN In số 5, Công ty In và bao bì Hưng Phú, Nhà in Lao Động. Song điều đáng mừng là năm 2002 có 29 DN cử 238 CN đi học, trong đó có 8 DN cử trên 10 CN và có hai DN là XN In số 4, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam cử trên 20 CN đi học. Nhiều giám đốc DN ngành in quốc doanh cho biết: Với ngành in, thợ giỏi quý như vàng, thường bị các DN dân doanh chèo kéo, đã có gần 20% thợ giỏi bỏ ra ngoài làm cho tư nhân. Vì lẽ đó, DN tán thành cách làm của CĐ ngành in, đào tạo lại để những CN có tiềm năng trở thành CN giỏi và gắn bó với DN. Kết quả có 86,02% CN thi đạt yêu cầu nâng cấp bậc kỹ thuật. 18 CN đạt khá giỏi, 4 CN của Công ty Xuất Nhập khẩu ngành in và XN In số 7 học chuyên ngành in offset đạt loại giỏi.
Sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn
Từ những ngày đầu, LĐLĐ TPHCM đã tâm đắc và ủng hộ bước đi đột phá của CĐ ngành in. Thành công của CĐ ngành một phần cũng do CĐ quy tụ nhiều cán bộ CĐ có bề dày kinh nghiệm, tâm huyết và uy tín với cơ sở, nhiều DN tin cậy, ủng hộ CĐ. Tại Nhà in Khánh Hội, ban giám đốc nhớ ngày, nhắc nhở CĐ đưa CN đi thi nâng bậc. Giảng viên Cao Văn Long cho biết qua 7 mùa thi, ý thức của học viên CN được nâng lên đáng kể. Theo ông, nếu cứ tồn tại nghịch lý: Máy đắt, công rẻ, người không giỏi nghề, thì sẽ khó phát triển ngành in. Do đó, ngành phải tập trung đào tạo để CN kỹ thuật có tay nghề vững vàng, trước những máy móc hiện đại, CN biết lập chương trình vận hành. Những CN có nền học vấn khá sẽ tiếp thu nhanh hơn, mau giỏi nghề hơn.
Ghi nhận qua quá trình đưa CN đi học nghề, nhiều giám đốc DN ngành in đồng tình với nhận định của CĐ ngành in TPHCM là đào tạo gắn với sử dụng nhân lực hiệu quả, đào tạo theo yêu cầu, đúng địa chỉ. Mặt khác, bố trí nhân lực hoặc thiết bị cũng là khâu quan trọng để đem lại hiệu quả kinh doanh. Ví dụ máy in typo, nếu khách hàng có nhu cầu về in nhảy số thì một máy typo bán giá bèo không ai mua lại có thể đem về doanh số mỗi năm cả trăm triệu đồng.
Nghiệp đoàn CN ngành in, tại sao không?
Đây là mong muốn của nhiều cán bộ CĐ ngành in TPHCM. Ông Phạm Minh Kha nói, lập được nghiệp đoàn sẽ có những thuận lợi trong hoạt động, nhất là tính độc lập của nghiệp đoàn và quan hệ với các DN trong ngành. Chẳng hạn tình trạng DN cạnh tranh về giá cả, làm khó cho nhau sẽ hạn chế dần nếu cùng ngồi lại thương thảo, tìm lối ra trong lợi ích tương đồng, cùng làm ăn phát triển. Trước mắt CĐ ngành in TPHCM sẽ lập tổ chuyên trách đào tạo CN kỹ thuật in, đưa đào tạo thành chương trình dài hơi, quy mô rộng hơn và hiệu quả hơn.
Công nghệ ngành in phát triển từng ngày từng giờ. Theo đó, mỗi năm có khoảng 350 trong số 7.000- 8.000 CN ngành in TPHCM cần được đào tạo lại. Nhiều DN ngành in TPHCM trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường nhờ tay nghề của CN được nâng cao. Đó chính là đóng góp lớn nhất của CĐ ngành in TPHCM
Nguồn nld