Home / Việc Làm Vui / Nâng bậc, đổi đời công nhân in

Nâng bậc, đổi đời công nhân in

Phía sau tấm giấy chứng nhận nâng bậc nghề, đời sống, công ăn, việc làm của công nhân in chắc chắn sẽ tốt hơn trước nhiều


396 công nhân (CN) in đến từ 22 đơn vị in ấn dự hội thi nâng bậc nghề ngành in TPHCM năm 2008 sáng 14-3. Một hoạt động mang tính phong trào, nhưng hiệu quả của nó làm thay đổi cuộc đời CN.

Ngành in đang thiếu thợ

Hiện nay, có khoảng 30.000 CN in đang làm việc tại gần 300 đơn vị in ấn trên địa bàn TPHCM và đa số được tuyển chọn theo kiểu kèm cặp truyền nghề, vừa học vừa làm. Ông Huỳnh Trà Ngộ, cố vấn Trung tâm Phát triển công nghệ thông tấn (ITAXA), cho hay hiện tại, số lượng CN in được đào tạo qua trường lớp quá ít và ở TPHCM hiện chỉ có 3 nơi đào tạo ngành nghề này. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm in ấn của người dân TPHCM rất cao. Ngành in cũng chính là một trong những phương tiện hữu hiệu để phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của cả cộng đồng. Bởi vậy, trách nhiệm đặt lên vai những CN ngành in hết sức nặng nề.

Đáng lo là phần lớn CN in có trình độ học vấn khá thấp, phần lớn chỉ học đến lớp 7. Số người trực tiếp đứng máy có trình độ đại học vẫn có nhưng rất hiếm. Trong khi đó, số CN ngành in tự giác theo học các lớp bổ túc, nâng cao chuyên môn cũng không cao. Nguyên nhân chính, theo nhiều CN, là do ngành in thường phải làm thêm ngoài giờ. Lượng công việc nhiều, áp lực công việc cao nên sau một ngày làm việc, họ chỉ muốn dành thời gian còn lại trong ngày để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Cứ thế, cơ hội thăng tiến của CN thường không cao. Những mặt hạn chế đó khiến nhiều thanh niên ngần ngại trước khi quyết định chọn nghề in để gắn bó. Vì vậy, tình trạng thừa thầy – thiếu thợ trong ngành in vẫn tiếp diễn từ nhiều năm qua.

Đôi bên cùng có lợi

Để bổ khuyết cho hạn chế này, hơn 10 năm qua, CĐ in TPHCM đã liên tục tổ chức các khóa nâng bậc nghề CN kỹ thuật ngành in để vừa giải quyết chính sách đối với người lao động vừa cập nhật kiến thức công nghệ, hệ thống lại quy trình sản xuất, hướng dẫn các thao tác và kỹ năng vận hành thiết bị cho CN. Hội thi nâng bậc nghề CN ngành in TPHCM năm 2008 do ITAXA, CĐ in Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Trường Cao đẳng Công nghiệp In và một số doanh nghiệp (DN) ngành in trên địa bàn TPHCM phối hợp tổ chức đã mở ra nhiều triển vọng cho ngành in TP. Với mục đích nâng cao tay nghề một cách hiệu quả cho CN ngành in, hội thi được tổ chức dưới hình thức một khóa đào tạo kéo dài suốt ba tháng. Trong ba tháng đó, 396 CN ngành in đến từ 22 đơn vị sẽ được bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ ngành in, kể cả công tác bảo hộ lao động gồm 4 nội dung: Luật pháp về bảo hộ lao động, khoa học vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn lao động và công tác phòng cháy chữa cháy.

Một nét mới rất khác biệt so với hội thi tay nghề, hoạt động phong trào nâng bậc thợ cho CN ở nhiều ngành khác, đó là ở hội thi này, DN và người lao động cùng cam kết thực hiện tốt chính sách “đôi bên cùng có lợi”. Cụ thể, nếu CN vượt qua kỳ thi nâng bậc, đơn vị cử đi học sẽ thanh toán toàn bộ chi phí học lẫn thi. Ngược lại, khi CN không qua được kỳ thi nâng bậc, CN sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí (350.000 đồng). Sau khi hoàn thành phần thi lý thuyết, thực hành các bộ môn, nếu đủ điểm quy định, CN sẽ được cấp giấy chứng nhận bậc nghề có giá trị sử dụng trên toàn quốc. Đặc biệt, phía sau tấm giấy chứng nhận bậc nghề, đời sống, công ăn việc làm của CN chắc chắn sẽ tốt hơn trước nhiều.

Nâng bậc nghề để nâng lương

Tại buổi ôn luyện lý thuyết trước khi thi, giữa gần 400 học viên đang chăm chú nghe giảng, hứng thú tiếp thu những kiến thức mới về ngành nghề mình đang theo đuổi, chị Cao Hồng Chúc, nhân viên dàn trang Xí nghiệp In Gia Định, tâm sự chị đã gắn bó với nghề hơn 8 năm. Đến với khóa bồi dưỡng này, ngoài mong muốn được tiếp thu công nghệ mới, được giao lưu học hỏi cùng đồng nghiệp từ các đơn vị, chị còn hy vọng sớm được nâng bậc lương để cải thiện thu nhập bởi vật giá ngày càng đắt đỏ. Anh Bùi Hữu Hiếu (CN Xí nghiệp In Báo SGGP) không ngần ngại nói lên nguyện vọng thiết thực của mình: Nâng bậc để nâng lương. Hiện anh Hiếu đang là CN bậc 2. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Dương, cũng là CN ngành in. Tất cả đều kỳ vọng vào kết quả hội thi.

Dĩ nhiên, DN cũng thu được những hiệu quả nhất định từ hội thi. Không chỉ DN thực hiện được chính sách đối với người lao động, qua hội thi, người lao động được nâng cao cả trình độ tay nghề lẫn ý thức kỷ luật lao động. Một khi tay nghề người lao động được nâng cao, họ sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần vô cùng quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu của đơn vị mình.

Nguồn nld

Chia sẻ ngay trên các MXH sau để tạo tín hiệu tốt cho bài viết :)

About admin

Check Also

Tôi làm nghề in thiệp cưới

TTC – Ở quê tui, những đôi lứa chuẩn bị cưới đều tìm gặp tui …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *